Cúng thôi nôi

Những lễ vật cúng thôi nôi cơ bản cho lễ cúng chu đáo, trang nghiêm

Tùy theo phong tục, tập quán của từng vùng miền có những yêu cầu lễ vật cúng thôi nôi khác nhau. Nhưng trên cơ bản vẫn có rất nhiều điểm chung tương đồng, bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho cha mẹ những món lễ vật cơ bản nhất, giúp cho cha mẹ có thể dễ dàng chuẩn bị cho buổi lễ thôi nôi của bé nhà mình.

Lễ vật cúng thôi nôi đầy đủ hoa quả, hương đèn, phẩm vật dâng cúng Bà Chúa Thiên thai và mười hai bà mụ đã dày công ‘nặn’ hình hài tròn vẹn cho đứa bé và nuôi dưỡng suốt chín tháng mười ngày. Không chỉ có công dưỡng thai, mười hai bà mụ sẽ đỡ đầu cho đứa trẻ suốt mười hai năm cho đến khi trưởng thành.

Lễ cúng thôi nôi gồm những gì?

1/ Mâm cúng đất đai ngoài trời

Lễ vật cúng đất gồm hoa quả, trà rượu, hương đèn, gạo muối, áo giấy và dĩa lòng lợn luộc, con hao quay có gác dao bén hướng quay ra ngoài cúng tạ cô bác, đất đai, thần Hoàng thổ địa nơi cha mẹ và bé sinh sống.

2/ Hoa là lễ vật cúng thôi nôi mang nhiều may mắn cho bé

Bạn có thể chọn hoa hồng, hoa cúc hay hoa lyly tùy từng mùa, tùy buổi chợ để chọn những bông hoa tươi tắn, màu sắc hài hòa làm trung điểm của bàn cúng mừng thôi nôi của bé. Đây cũng là sinh nhật lần đầu tiên của trẻ, là dịp mọi người đến thăm hỏi, chúc phúc cho bé hay ăn chóng lớn.

3/ Hương đèn

Khi sắm lễ thôi nôi, bạn đứng quên mua hương thơm loại trầm hay quế mang mùi thơm khắp nhà. Mười hai cây đèn cầy vừa thắp xung quanh bàn cúng thôi nôi mang ý nghĩa soi sáng cho tương lai của bé.

4/ Trà rượu là lễ vật cúng thôi nôi dâng lên các bà mụ

Một chén trà nóng bên phải, một chén rượu cay nồng bên trái bày tỏ lòng kính cẩn dâng lên Bà chúa thiên thai và mười hai bà mụ cùng với những phẩm vật khác, cầu mong bé khỏe mạnh, bình an cho đến tuổi dậy thì.

5/ Xôi cúng thôi nôi

Lễ cúng thôi nôi ở miền bắc thường có xôi gấc đơm thành mười ba dĩa nhỏ tượng trưng cho mười ba Đức thầy còn người miền Nam hay miền Trung thích nấu xôi vò, xôi đậu xanh đơm 1 dĩa lớn, 1 dĩa nhỏ dâng cúng Bà chúa thiên thai, mười hai bà mụ.

Xôi chè chính là những lễ vật không thể vắng mặt trong lễ cúng thôi nôi cho bé

6/ Chè trôi nước hay chè đậu trắng

Khi cúng thôi nôi bé gái người ta chọn mua hay nấu chè trôi nước trắng tròn mong cho bé lớn lên trắng trẻo, xinh xắn như những viên trôi nước. Còn cúng thôi nôi con trai thì chọn chè đậu trắng dẻo ngọt. Xôi chè cúng thôi nôi là hai món không thể thiếu trong mâm lễ cúng thôi nôi, trước cúng sau đem biếu mọi người xung quanh.

7/ Trầu cau là lễ vật cúng thôi nôi cần thiết

Theo tập quán dân gian, khi dâng cúng Bà hay các vị thần trong nhà, lễ vật cúng thường có trầu cau têm sẵn mướì hai miếng cánh phượng cúng mười hai bà mụ. Riêng bà chúa thiên thai thì dâng cúng 1 dĩa với năm lá trầu để nguyên và một trái cau không chẻ.

8/ Gà hay vịt cúng

Lễ cúng thôi nôi ở miền Trung thường thấy con vịt luộc chéo cánh trên bàn cúng còn người bắc thì chọn gà trống làm lễ vật cúng thôi nôi cầu mong bé nhanh lớn, ngoan ngoãn và dễ dạy bảo.

9/ Trái cây cúng thôi nôi

Để cầu mong mọi điều tốt lành cho bé, dĩa trái cây gồm năm loại quả tươi ngon, căng tròn như xoài, thanh long, quýt, mãng cầu, táo…Tùy loại trái cây bày bán trong mỗi buổi chợ mà bạn chọn mua ngũ quả cho mâm trái cây trang trọng dâng cúng Bà.

10/ Hài giấy màu xanh hay hình nhân thế mạng

Trong lễ cúng thôi nôi miền bắc, người ta dùng hình thế bằng giấy ghi tên họ, ngày tháng năm sinh đầy đủ của bé dâng cúng xong rồi đốt hóa giải vận hạn cho bé. Hoặc mười hai đôi hài xanh, đũa hoa cũng là một trong những phẩm vật dâng cúng Bà trong ngày lễ thôi nôi của bé.

Lễ vật cúng thôi nôi tùy từng vùng miền mà sắm sửa cho đầy đủ để dâng cúng và cầu mong cho bé khỏe mạnh, an lành, khai trí sáng mở, học hành tấn tới. Sau lễ cúng thôi nôi là tiệc mừng sinh nhật đầu tiên của bé trong niềm vui, hạnh phúc của ông bà, cha mẹ và họ hàng nội ngoại.